HỘI VÀ ĐƯỜNG ĐẠO

Hội và Đường Đạo

 

 

Chuyện quan trọng nhất là mỗi hội viên của hội Theosophy có hoàn toàn tự do về tư tưởng và chỉ dạy, bằng lời hay chữ viết, dầu vậy sự xác tín, có được do trực giác cảm nhận thường xuyên và do kinh nghiệm tinh thần và huyền bí trong lúc tỉnh thức, có thể cùng lúc được tự do trình bầy. Việc ấy có tầm quan trọng bậc nhất đặc biệt vào lúc này, khi một làn sóng đang tràn qua hội nhấn mạnh việc đón nhận các phong trào và nhiều chỉ dạy khác, và khuynh hướng chung muốn duy trì đường lối tư tưởng thật rộng rãi trong phong trào TTH. Tuy tất cả những điều này có giá trị của chúng khi ta hiểu đúng đắn, chúng cũng có tiềm năng gây hại cho phong trào TTH, nếu không muốn nói là gây nguy hiểm.
Trong số những ý tưởng chính về TTH lúc ban sơ và rất đáng nói, được nêu ra trong suốt thế kỷ đầu của hội, có các đề tài sau:
1. Việc có thể biết trực tiếp chỉ dạy MTTL, bằng trực giác hay bằng kinh nghiệm, như ký ức sống động về kiếp trước.
2. Trong mỗi người có hiện hữu nhiều quyền năng, phần lớn tiềm ẩn trước đây, đề xem xét trực tiếp những triết lý của MTTL.
3. Những cách mà con đường hiểu biết bằng trực giác, đáp ứng bằng trí tuệ và trực tiếp bằng thông nhãn, thì hết sức quan trọng.
4. Có một số đáng kể những Đạo Sư (Adept) - những Vị đã đạt mục đích cuộc sống của con người - hiện hữu trên địa cầu.
5. Một số các Vị này ở ẩn nơi cõi trần hay cõi thanh; còn nhiều Vị khác có sẵn đó cho những ai thành tâm muốn tìm và bước vào Con Đường Tiến Mau (Pathway of Hastened Evolution), và muốn biết Chân Sư mặt đối mặt.
6. Điều này khả hữu cho bất cứ ai quên mình, tự chủ, tâm rộng mở.
7. Thực vậy, các Chân Sư sẵn sàng đón nhận đệ tử thì luôn trông đợi và có đó cho mỗi một ai mà tinh thần đúng đắn đã nẩy sinh, linh hoạt về trí tuệ, tình cảm và thể chất.
8. Tất cả ai như vậy, ai ước nguyện và quên mình tìm cách phụng sự đều được một vị Đạo Sư lưu ý, do ước vọng được gợi nên. Ngài theo dõi trong nội tâm và chờ tới lúc khi họ có thể bước vào Con Đường làm Đệ Tử một cách ý thức.
9. Tiếp theo đó là họ được Chân Sư huấn luyện bằng trực giác, trí tuệ trong thể thanh vào lúc ngủ, và sau cùng trong những lần gặp mặt hoặc ở cõi trần hay cõi cao, cả hai lối được dùng một cách khôn ngoan.
10. Sống can đảm, quả quyết, có hứng khởi theo tinh thần, từ ái, và triết lý làm thúc đẩy sự tiến hóa của con người bên trong tới việc đạt được quyền năng siêu phàm ở mọi cấp, và sau chót bước vào hàng ngũ các bậc siêu nhân trong thiên nhiên.
Tuy mọi mặt của MTTL đều nên được trình bầy, thực ra là quảng bá cho công chúng, ta không nên để các ý trên - sâu xa hơn về mặt trí tuệ, tinh thần và triết lý - bị chìm khuất như hiện nay có nguy cơ bị vậy. Đó là giá trị của việc lập lại chúng.
Vấn đề cho ai cảm thấy bị lôi cuốn vào đường Đạo hóa nặng hơn do sự kiện là mối liên hệ giữa  Chân Sư và đệ tử thường hoàn toàn giữ kín, và chỉ biểu lộ trong cách sống, hoạt động, sách vở và lời nói. Tuy nhiên hội Theosophy đang bước vào giai đoạn có thay đổi mà nếu không ngăn chặn, những chỉ dạy có thể được gọi là thuộc về đời sống nội tâm có thể gần như bị mai một, không được đưa ra cho công chúng khi trình bầy Theosophy trong thời đại này.
Quả đúng là sách vở của những vị sáng lập và nhiều người tiếp theo cho tới hiện nay vẫn còn đó, và cần được ai cảm nhận hăng hái trưng ra bằng mọi cách, nhưng kết luận thì lý tưởng và chỉ dạy về đường Đạo phải không được để cho mất đi hay giảm bớt, trong việc quảng bá MTTL hiện thời và tương lai. Nếu để cho việc ấy xẩy ra, hội có thể suy sụp lớn lao, nhất là việc làm tròn các lý tưởng ban đầu mà nó được thành lập, và không sao thực hiện rộng lớn hơn nữa ba mục tiêu của hội. Đó có thể là một tai biến cho hội, nếu chỉ vì hội không đóng góp vào thế giới cái lý tưởng riêng cho cá nhân, và sự đoan chắc là ta sẽ đạt được nó nhờ trợ giúp của Vị Thầy Tinh Thần.
Nếu chỉ dạy về MTTL mà không có lý tưởng to lớn về mục tiêu của việc làm đệ tử đi kèm, thì nó giống như lấy mất Tâm và Hồn ra khỏi hội. Việc duy trì lý tưởng về đường Đạo trong các chỉ dạy và tư tưởng của hội, là một trong những trách nhiệm lớn lao nhất cho ai ý thức phận sự của hội, nếu không muốn nói đó là trách nhiệm lớn lao nhất. Đường Đạo là Sự Sống và Ánh Sáng cho Thế Gian.

Ảnh Hưởng
Tình trạng thế giới sẽ nhẹ bớt đi rất nhiều mỗi khi ai cảm thấy có thúc đẩy tiến vào đường Đạo, đặt chân vào đó với nhiệt tâm sâu đậm, nhất quyết làm đệ tử một bậc Chân Sư và thành vị Chân Sư ngay khi nào có thể được. Đây là những ai mà do sự hiện diện của họ trên trái đất và có hoạt động ở mọi mức độ cùng với con người của họ, giúp đỡ to tát trong việc nâng màn đen tối nặng nề và sự hiểm nguy khỏi thế giới, nhất là cho nhân loại. Chúng ta cần rất nhiều người tha thiết với đường Đạo. Vì vậy ý chính cần nói là các Chân Sư không hề rút lui mà vẫn còn đó, từ trước tới nay vẫn sẵn sàng cho người ai thật lòng bước lên ‘Những Nấc Thang Vàng’.

Diễn Tiến
Người mới thức tỉnh hay biết Đạo được ví như là ‘trẻ thơ’ và đây cũng là biểu tượng rõ ràng. Thực vậy, giai đoạn trẻ thơ này cần thiết như kinh Tân Ước ghi, ‘Bạn không thể vào nước Trời trừ phi bạn trở thành như trẻ nhỏ’.
Giống như khi thể xác là trẻ thơ, ban đầu phải bò bằng tay và đầu gối rồi sau đó mới đứng thẳng tập đi, thì người sơ cơ khởi đầu trong tâm trí cũng cần làm theo tư thế của trẻ thơ, nhất là việc nó hàm ý lòng khiêm tốn là điều rất thích hợp và chính yếu. Sau đó, và có lẽ chỉ khi ấy họ mới an toàn bắt đầu ‘đứng thẳng và từ từ học đi’. Ngay cả khi ấy, bàn tay trợ giúp của cha mẹ và kẻ khác - nói về mặt huyền bí - luôn luôn được đón nhận với lòng biết ơn, hay ngay cả việc đi tìm để được giúp đỡ.
Như thế, từ tư thế mà thiên nhiên áp đặt lên trẻ, ta học được cách bước đi một cách cẩn thận và với lòng khiêm tốn; khi tiến trình bí ẩn của việc thức tỉnh tinh thần xẩy ra, nó quả đúng là cuộc ‘chào đời’ ! Và tự nhiên về sau nữa khi lớn hơn trẻ mới biết chạy, cũng y vậy người mới thức tỉnh được khuyên hãy cẩn thận khi ngưng không dùng các trợ giúp có sẵn, trong lúc vẫn xem xét tất cả những lời hướng dẫn, hứa hẹn và lý tưởng nhận được. Thực vậy, con người không nên hay không được phép lãng quên, rời xa hay khinh suất đối với các ước nguyện, lời cam kết, diễn trình đã thuận ngay vừa đặt chân vào Con Đường Tiến Mau.
Sự tương đồng giữa giai đoạn thân xác trẻ thơ và tinh thần non trẻ rất gần nhau, và có lời khuyên là ta nên tuân theo những luật tương tự nhau. May mắn là ngay từ phút đầu khi con người thành tâm và tự ý chấp nhận lý tưởng, thì trợ giúp đã có sẵn. Ngay vào lúc một ai khởi sự thức tỉnh với lý tưởng mau thành đạt để giúp nhân loại, một trong các Chân Sư cảm biết sự kiện ấy và bắt đầu cho giúp đỡ mà Ngài thấy cần, cũng như là được karma của ứng viên cho phép. Quả vậy, nói rằng từ phút ấy Chân Sư biết là hoàn toàn đúng. Không ai bị để một thân một mình trơ trọi đi trên đường Đạo chông gai, không được tăng cường về mặt tinh thần. hay không được hướng dẫn về trực giác, trí tuệ, và được trợ giúp ở cõi trần trong giới hạn karma của họ.
Ai khôn ngoan sẽ lắng nghe ‘tiếng nói’ nội tâm này, và tuy vậy, cẩn thận không để bị óc tưởng tượng làm mê hoặc Chân Ngã của họ, dù rằng thức tỉnh tinh thần trong giai đoạn đáng nói này dường như luôn luôn phai lạt đi. Tuy vậy, khó mà nhận ra khác biệt giữa kẻ chưa và đã tỉnh thức, nên ta phải rất cẩn thận không xét đoán chỉ bằng vẻ ngoài hành vi của người ta mà thôi; bởi ai như vậy có thể thực sự đang có thức tỉnh sơ khởi mà vào lúc này không quan sát thấy được. Sự chuyển biến có thể rất từ từ mà đứng ngoài nhìn vào khó nhận ra. Dù sao đi nữa, những thay đổi nội tâm sâu đậm có thể đang diễn ra, tựa như ‘men’ đang làm việc trong trí não.
Mặt khác, ai đã có sự chuyển biến trong những kiếp trước, có thể mau chóng lặng lẽ biết lại trong kiếp này; theo đó ta như thấy có sự khác biệt bên ngoài. Tuy nhiên điều quan trọng là ai tiến hơn không nên phê bình hay chê bai người chưa tiến bằng, vì về mặt tinh thần tất cả là một và sự khác biệt duy nhất là mức độ phát triển mà thôi.

Con Đường dẫn tới việc làm Đệ Tử
Thực sự thì con đường là một ’cái thang’. Người đệ tử theo đó lên từng bước một và sau rốt đến ‘cửa’ của ‘nhà’ đức Thầy, nơi chốn của ngài. Nó không phải là căn nhà mà là trạng thái tỉnh thức, gồm chính yếu là việc quên mình trọn vẹn, mang lại hạnh phúc, đôi khi dẫn tới sự an lạc, đưa tới kết quả là… con người biết được mọi chân lý từ điều thông thường nhất là hạt nguyên tử tới cao tột nhất là Nguồn Cội của mọi điều, là Đại Ngã bên trong và bên ngoài họ.
Lẽ tự nhiên người đệ tử đi tới Nguồn Cội này rất từ từ và cẩn thận - trừ phi họ xử sự thiếu khôn ngoan - với vị Chân Sư theo dõi mỗi khi họ bước lên một nấc thang, có khi hân hoan tương đối dễ dàng, khi khác phải nỗ lực nhiều và bị gò bó. Mỗi nấc thang, mỗi bước tiếp nhau mang lại phần thưởng riêng của nó bên trong, chính yếu là được dự vào trạng thái tâm thức của Chân Sư. Nó bao gồm luôn việc giảm lần, nấc này sau nấc kia, cái ảo tưởng về sự chia rẽ giữa ta với người, và kinh nghiệm được sự thật về Nhất Nguyên (Unity). Tới cuối, khi gần đến quả vị Đạo Sư (Adept) và rồi đạt được nó, người ta biết được trọn vẹn sự sống duy nhất toàn diện trong mỗi hình hài sắc tướng riêng biệt. Vì vậy mà đức Jesus nói: ‘Ta với Cha Ta là một’. (John 10:20)
Con đường kỳ diệu này, cái ‘thang’ luôn luôn có đó, luôn luôn chờ sẵn cho ai tin chắc là có nó và nhất định không nao núng tìm nó để bước lên đỉnh cao, trở thành là một không gì chia lìa được với tất cả những gì khác hiện hữu, và do vậy đương nhiên là hòa hợp với mọi chúng sinh.
Khi lên tới đỉnh rồi thì nói ví von theo mặt huyền bí, có một đấng ‘kêu gọi’ đứng đó, Vị không ngừng kêu gọi tất cả mọi người mà trong giai đoạn này chỉ vài kẻ nghe được. Lời kêu gọi có ý sau:
Hãy bước lên các nấc thang này, vì trên đỉnh mà bạn lên được tới đó, có bình an trong tâm trí, sự an nhiên mà không gì trên trần thế có thể nào phá hủy được.
Vậy hãy bước lên vì tay vịn có đó để bạn nắm lấy mỗi khi cần trợ lực, nhất là khi bạn cảm thấy có nguy cơ rơi vào hố thẳm bên dưới, hay thiếu sức mạnh cần có để lên tới đỉnh. Bởi đấng ‘kêu gọi’ hằng đứng đó và luôn ‘kêu gọi’, không ai cố sức theo đường vĩ đại đi lên bị lẻ loi tiến bước, mà sự trợ giúp cần thiết luôn có sẵn.
Lời kêu gọi có gồm khuyến cáo. Nó nói về hiểm nguy mà trọn nỗ lực có thể vì đó thất bại dù chỉ tạm thời. Nói giản dị thì hiểm nguy này là lòng ích kỷ, có nghĩa con người có ý riêng muốn hưởng lợi trong đời khi thành công. Do đó lời kêu gọi nói ngay từ bước đầu tiên, thực ra ngay trước khi ta đặt chân lên nấc thứ nhất, là hãy loại bỏ hoàn toàn và trọn vẹn mỗi dấu vết của lòng ham muốn được lợi lộc riêng cho mình bất cứ loại gì.
Vậy hãy làm thấm trọn bản thể mình, mỗi hạt nguyên tử trong tâm trí với MỘT ý tưởng, MỘT lý tưởng là phúc lợi cho TẤT CẢ chúng sinh và đương nhiên, nhất là tất cả những gì có thể và chịu đau khổ (như con người, loài vật). Đây là sự che chở to lớn, sự cứu chuộc duy nhất mà chỉ nhờ nó mà thôi việc đi lên trong nội tâm mới có thể thành công. Tuy ta có thể bị thất bại nhưng tất cả chỉ là tạm thời, vì Linh Hồn của người muốn đi trên các nấc thang biết rõ rằng mọi cảm tưởng về cái tôi chỉ là ảo tưởng, và mọi ham muốn có lợi cho riêng mình là do mù quáng mà ra, còn mục tiêu cao cả có thể được mô tả là Tất Cả Là Một.
May mắn thay không một vấp té nào là không thể vãn hồi. Việc hồi phục và ước nguyện tái tạo đi lên tới đỉnh luôn luôn còn đó, mà nhiều phần là ‘đặt để’ chính chúng lên ai đi trên thang, khiến họ sau đó mất biệt lòng ích kỷ. Điều hết sức quan trọng là tính quên mình nơi họ được nẩy sinh tự trong tâm, mà không phải là họ khoác lấy tính ấy.
Nói cách khác và dùng chữ khác, đó là ‘Những Nấc Thang Vàng’ đã có tự ngàn xưa. Ta có thể nói đó là phần việc cao quí, là hoạt động lý tưởng nên làm, đáng bỏ công đi tìm gặp, và dang tay trợ giúp ai cũng nẩy sinh trong lòng ước ao muốn tiến lên cao. Đây là tay vịn chắc chắn nhất hơn hết thẩy, là hỗ trợ không lay chuyển và không tan vỡ, bảo đảm thành công khi có nỗ lực to lớn trong lòng. Lời của đức Chúa trong kinh Tân Ước mô tả ai như vậy là ‘Trở thành ngư phủ tung lưới thu kéo người’.
Những nấc thang trên đường Đạo là yếu tố chính yếu trong đời sống huyền bí của địa cầu, là con đường dẫn tới sự Sáng. Đường Đạo cần được công chúng biết tới, và được duy trì trong tâm thức chung của nhân loại như là hiểu biết trong sách vở và qua các bài giảng, bằng không bóng tối sẽ ngự trị trong tâm trí con người. Bất cứ lời phủ nhận nào về sự hiện hữu của những nấc thang, vai trò của chúng vẫn được tiếp tục, là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của ai đối nghịch với con đường, và ai nói rằng những nấc thang đã ngưng là người đi theo con đường của cái ngã.

Điều Kiện
Chuyện thấy là trong các buổi họp mà hội viên tổ chức, hoặc cho công chúng hoặc riêng tư, luôn luôn có ít nhất một người đầy ước vọng, mong mỏi bước vào đường Đạo, cảm thấy lôi cuốn tới sự chứng đạo, làm đệ tử. Vậy đường Đạo có những đòi hỏi chi ?
Điều tối quan trọng và hoàn toàn có tính quyết định là không có ao ước riêng tư nào cho cái tôi, không có lòng ích kỷ, hay có động cơ nào mang tính ngã mạn. Ngược lại, phúc lợi cho thế gian và do vậy cho tất cả ai có thể được hưởng lợi ích do việc làm của chí nguyện, phải là động cơ duy nhất trong tâm trí họ; bởi bất cứ ao ước mảy may nhỏ bé hơn hết, hoặc nhằm tư lợi hay kiêu căng, gần như chắc chắn sẽ cản ngăn lý tưởng làm đệ tử. Ước vọng càng sáng lòa và thanh khiết chừng nào, thì vực sâu và đêm đen càng thẳm tối chừng ấy cho ai sa chân vào, do tư tưởng muốn đạt lợi lộc trần gian cho họ.
Lại nữa, đức hạnh không thôi chưa hề đủ, vì con đường của người đệ tử là con đường hành động, và các Chân Sư đi tìm người làm việc, ai cộng tác với ngài nâng cao nhân loại, không phải tín đồ đầy lòng sùng tín. Do đó người chí nguyện còn phải tạo cho mình khả năng, càng giỏi càng hay. Ta nên phân biệt rõ hai điều:
● Thứ nhất, mức ta đang nói đây là con đường dự bị probation. Sách vở trong hội đa số nói về mức này và đầy đủ, nhằm chuẩn bị cho người chí nguyện; còn khi muốn biết con đường của người đệ tử thì ta cần đọc sách của Alice A. Bailey.
● Thứ hai, khi trước hội làm được việc tốt lành nhưng rồi có sự điên rồ trong hội mà bà Radha Burnier nói tới (xin xem trang 58), bắt đầu từ khi HPB qua đời tức thập niên cuối thế kỷ 19; chuyện hóa tệ dần và tệ nhất vào thập niên 1920. Khuynh hướng khi ấy nhấn mạnh sai lầm vào việc có chứng đạo cao thấp mấy lần, được làm đệ tử. Hội viên mắc vào huyễn tưởng và ai ở mức dự bị lại được xem như là bậc đạo đồ. Huyễn tưởng kế đó được trưng ra cho công chúng coi như là sự thật.
Ta được dạy bất cứ chứng đạo nào mà không lộ ra trong cách sống hằng ngày là không thật. Không ai đạt chứng đạo mà trước đó không thể hiện mức hữu ích rộng lớn của họ, và có khả năng trí tuệ phát triển. Chứng đạo lần một có thể không thấy điều này, nhưng lần hai thì luôn  luôn phải có dấu hiệu là một đời sống hữu ích hết lòng, quyết tâm phụng sự thế giới. Rồi cũng phải có lòng khiêm cung, lên tiếng nhìn nhận tính thiêng liêng nơi tất cả mọi người. Trừ bà Besant, những ai được  gọi là bậc đạo đồ hồi ấy thì chưa phải là vậy.
Trở lại với con đường dự bị, ta được dạy thêm là không người chí nguyện nào thành tâm với hiểu biết tinh thần và việc phụng sự xả kỷ có hề bị Chân Sư bỏ qua. Sự thực là khi người chí nguyện có thay đổi trong lòng và lớn mạnh, các ngài lập tức ban ngay trợ giúp đến cho họ, đây là điều ta cần nhớ kỹ.
Khuyến cáo cũng nói rằng quyền lực là mối đe dọa nghiêm trọng cho mỗi huyền bí gia; nó thử thách lòng hiến dâng của họ xem có giá trị tới đâu trong thực tế, và người chí nguyện nào cũng phải vượt qua được nếu muốn có tiến bộ thêm. Hội nằm trong tâm tưởng Chân Sư, cũng như được thành lập do sự gợi hứng của các ngài, và vai trò của nó là đường dẫn tới việc hợp tác trực tiếp với các ngài, cho ra kết quả là tiến bộ liên tục, mang ta đến việc làm đệ tử và rồi chứng đạo, khi do việc làm thực sự quên mình.
Đường Đạo, các Chân Sư, những giai đoạn của việc làm đệ tử và sự chứng đạo tất cả đều có đó, mở rộng và đang tác động dù không có tuyên bố nào cho ta biết. Một nguy hiểm được nêu ra là khi Hội và hội viên xếp đặt những sinh hoạt cho tương lai, họ có thể quên, bỏ qua và mất đi gợi hứng của những ngày đầu. Ta được khuyên làm những gì cần thiết để tránh việc ấy.
Kế đó ta nên tiếp tục trình bầy các ý tưởng là Chân Sư vẫn hiện hữu, vẫn gần sát với Hội và hội viên, và việc làm đệ tử vẫn là điều khả hữu cho tất cả những ai tuân theo các điều kiện trong tâm trí, hành động và đời sống cõi trần của họ. Mục tiêu phải là một và không hề thay đổi là nâng cao nhân loại, mang lại hạnh phúc, chỉ dạy cách không để cho chính ta làm ta bị sa ngã, bởi con người là kẻ thù duy nhất của mình.

Con Đường làm Đệ Tử
Đây là trình tự hợp lý của việc đặt chân lên đường Đạo, nỗ lực tiến mau và được Chân Sư thâu nhận làm đệ tử. Về điểm này, có lời xác nhận là không ai bị bỏ sót mà mỗi người khi gia nhập Hội và trường Bí Giáo E.S. là được Chân Sư nhìn ngắm, xem xét. Ai đã tới mức đáp ứng với lý tưởng và thể hiện nó sẽ thấy bàn tay giơ ra chào đón của vị Thầy.

Con đường của người đệ tử tuy rất khó vào nhưng luôn rộng mở. Bởi đường Đạo là sự Sống và Ánh sáng của thế giới, duy trì lý tưởng trong sách vở TTH cũng như trong Hội có lẽ là một trong những trách nhiệm lớn lao nhất của ai làm việc cho Hội. Về mặt tài liệu, có ba tác phẩm huyền bí được xem là hữu ích cho ai muốn tìm hiểu về con đường này:
–Tiếng Vô Thinh (The Voice of the Silence )
– Ánh Sáng trên Đường Đạo (Light on the Path )
– Mối Tình của Hoa Sen Trắng (Idyll of the White Lotus)
Ta được cho hay việc thúc đẩy người chí nguyện vào đường Đạo là một trong những lý do Hội được thành lập, thế nên lý tưởng này có tầm quan trọng bậc nhất trong việc làm của Hội, cần được trình bầy, duy trì, hiện hữu luôn không thể để bị phai mờ trong lòng hội viên. Các ý tưởng liên quan đến việc này nên được nhắc nhở mỗi khi có dịp để làm người ta chú ý tới, ta có thể kể ra như sau:
– Vị Thầy luôn luôn có đó trong tầm của người chí nguyện, tuy không nhất thiết phải hữu hình. Nhiều chuyện về các ngài được kể lại, lưu truyền từ mấy ngàn năm qua, nhưng các ngài không phải chỉ là nhân vật lịch sử trong kinh sách, mà đang hiện diện và hoạt động trong thế gian, và câu chuyện đang tiếp tục không ngừng nghỉ.
– Lý tưởng về đường Đạo do vậy luôn sống động, linh hoạt, thay vì chỉ có thể tìm thấy trong sách vở kể chuyện quá khứ xa xôi.
Và đáng nói hơn nữa, cho dù chuyện trong kinh xưa như Tân Ước chỉ gồm các nhân vật phái nam, Chân Sư M. (luôn có sự dịu dàng với nữ lưu, như cách ngài bênh vực HPB khi bà bị đối xử không đúng) nhấn mạnh:
–  Con đường mở rộng đồng đều cho nam lẫn nữ, cả hai quan trọng ngang nhau mà không có sự nhấn mạnh quá đáng về nam giới. ít nhất ở phương tây. Thí dụ cho phái nữ không hiếm như Đức Mẹ Thế Giới, HPB, công chúa Yasodara (Da Du Đà La, vợ thái tử Tất Đạt Ta, đạt nhiều phép thần thông) v.v.
Không ai đi theo Con Đường Tiến Mau mà không gặp những lúc căng thẳng và phiền muộn. May mắn là sự trợ giúp của các bậc Huynh Trưởng luôn có đó, phù hợp với nhu cầu và thời điểm, không ai thành tâm và xả kỷ có hề đơn độc hay không được biết tới, trên đường Đạo. Mỗi Chân Sư biết và nhớ các thử thách, đôi khi có thể cay đắng,  không thể tách rời được với việc đi trên đường Đạo… và sự kiện là vậy và sẽ luôn là thế ấy cho mọi người.

Ta chấm dứt bài bằng lời xác nhận: Cho mỗi ai là người chí nguyện chân chính, tức nhiệt tâm và quên mình trọn vẹn, con đường làm đệ tử không hề đóng cửa.

Trích
- Light in the Sanctuary, Sandra Hodson.
- Discipleship in the New Age, vol. 1, A.A. Bailey
….

 

 

Những Nấc Thang Vàng

 

Một đời sống trong sạch,
Một tinh thần cởi mở,
Một tâm hồn thanh khiết,
Một trí tuệ linh hoạt,
Một sự trực nhận tinh thần,
Một tình hữu ái với các bạn đồng môn,
Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra những lời khuyên bảo và huấn thị,
Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư,
Một lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý
khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy.
Một dạ dũng cảm chịu đựng bất công xẩy đến cho riêng mình,
Một sự mạnh dạn tuyên bố các tôn chỉ,
Một lòng can đảm biện hộ cho ai bị đối xử bất công,
Và hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh 
như khoa Minh Triết Bí Truyền mô tả.
Đây là những nấc thang vàng dẫn người học đạo tới đền Minh Triết Thiêng Liêng.

H.P. Blavatsky